Mọi thứ trên Zephyrus G16 GA605 này là rất quen thuộc, tuỳ chọn về màn hình, thiết kế, bàn phím, touchpad…đều giống như phiên bản Intel, mọi sự chú ý sẽ nằm ở APU Ryzen AI 9 HX 370, thế hệ APU mới của AMD với kiến trúc mới cho cả CPU và GPU cũng như cải thiện hiệu năng của NPU, sau cùng thì AMD cũng đã có câu trả lời cho các mẫu laptop Copilot+ sử dụng nền tảng Snapdragon của Qualcomm.
Hiệu năng của Ryzen AI 9 HX 370
Đi ngay vào phần quan trọng nhất trên mẫu laptop này, điều gì làm cho mẫu laptop này xứng đáng với mức giá 82 triệu đồng thì đó chắc chắn phải đến từ hiệu năng là chủ yếu.
Ryzen AI 9 HX 370 với kiến trúc 4 nhân Zen 5 + 8 Zen 5c (tổng cộng 12 nhân 24 luồng), xung nhịp boost tối đa 5.1GHz (đơn nhân), công suất tiêu thụ điện ổn định ở mức 80W, đây là mức điện năng được ASUS đẩy lên cao hơn so với mặc định TDP của AMD là khoảng 54W.
Không chỉ tối ưu hơn mà còn mạnh hơn, điểm số benchmark CPU của AMD “Strix Point” cũng cao hơn so với AMD “Hawk Point”, và không chỉ là CPU mà hiệu năng của GPU tích hợp Radeon 890M cũng thật sự đáng nể.
Anh em cũng đã quá rõ về việc GPU tích hợp của AMD nó đã tốt như thế nào rồi thì với Radeon 890M với sự cải tiến về kiến trúc GPU RDNA 3.5, hiệu năng của nó là mạnh hơn đáng kể so với thế hệ trước. Những điểm số hiệu năng từ các bài test 3DMark cũng như test một số tựa game thực tế với Radeon 890M thì nó bỏ khá xa các đối thủ còn lại như Intel Arc hay kể cả là Snapdragon Adreno mới nhất.
Thậm chí với chỉ GPU tích hợp Radeon 890M, anh em có thể xuất màn hình 4K với tốc độ làm tươi tối đa 240Hz.
Quay sang với GPU NVIDIA RTX 4070 105W, hiệu năng của nó là không thay đổi gì so với phiên bản hồi đầu năm sử dụng chip Intel. Cũng phải nói rằng 105W cho RTX 4070 trên một mẫu laptop gaming 16-inch mỏng và nhẹ nhất trong phân khúc này và nó vẫn thể hiện được trọn vẹn không thua kém gì những mẫu laptop có phần khung dày hơn và hệ thống tản nhiệt đồ sộ hơn là điều rất đáng nể.
Với các tính năng AI sẵn có trên Windows 11 24H2 hiện tại, các hiệu ứng có trên bộ Windows Studio Effects chẳng hạn, không thể làm khó được Ryzen AI 9 HX 370 vì ngay cả thế hệ trước với NPU chỉ khoảng 10-15 TOPS thì nó đã làm quá tốt, bây giờ với NPU 50 TOPS (cả APU tổng cộng là 80 TOPS) thì lại càng đơn giản hơn nữa.
Mình chạy thử một số model AI trên LM Studio hay ChatRTX thì nó đều đáp ứng tốt vì chủ yếu là là các model này sẽ đưa lên GPU để chạy, đồng thời với lượng RAM 32GB thì không khó để chạy mượt mà LM Studio. Thậm chí ngay cả khi bạn dùng Stable Diffusion để tạo ảnh hay chạy Chat RTX để cá nhân hoá chatbot AI thì chiếc máy này đều đáp ứng cực kì tốt.
Hệ thống tản nhiệt của Zephyrus G16
Quảng cáo
Nhiệt độ là thứ mình thấy cải thiện hơn rõ so với phiên bản Intel hồi đầu năm, dù ở mức công suất 80W nhưng nhiệt độ CPU chỉ khoảng 89 độ C (GPU khoảng 85 độ C khi chơi game), rõ ràng hiệu quả về tản nhiệt của ROG Zephyrus G16 là điều có thể thấy rõ, bên cạnh đó là sự tối ưu về tiến trình sản xuất, thế hệ “Strix Point” cho hiệu năng trên mỗi watt điện tốt hơn so với “Hawk Point” tiền nhiệm và điều này rõ ràng là đúng và nó còn ảnh hưởng rất nhiều đến thời lượng sử dụng pin (mình sẽ chia sẻ ở phần sau).
Zephyrus G16 GA605 có hệ thống tản nhiệt làm việc hiệu quả, với 3 quạt tản nhiệt và hệ thống ROG Intelligent Cooling System bao gồm keo tản nhiệt kim loại lỏng, quạt tản nhiệt Arc Flow thế hệ 2 và hệ thống heatpipe cũng như heatsink được cải tiến, ROG cho biết Zephyrus G16 là mẫu laptop hiệu năng cao đầu tiên được sử dụng thế hệ quạt tản Arc Flow thế hệ 2.
Thế hệ 2 cải thiện so với thế hệ đầu tiên ở kết cấu cánh quạt, với thiết kế siêu mỏng 0.1mm và bo cong nhẹ ở đầu mỗi cánh quạt, cộng thêm việc bổ sung 42 cánh quạt nhỏ ở phía trong sát với trục bi, kết hợp với 84 cánh quạt ở vòng ngoài, thế hệ quạt Arc Flow thứ hai giúp tăng lưu lượng không khí lên thêm 11% và giảm điện năng tiêu thụ đi 16%. Các mẫu laptop của ROG vẫn có lớp lọc bụi bẩn (dust-filter) để hạn chế bụi bẩn lọt vào bên trong và bám vào các cánh quạt làm giảm đi hiệu quả tản nhiệt.
Cũng từ thế hệ laptop ROG trình làng ở CES 2023, ASUS cũng đã giới thiệu hệ thống heatsink mở rộng ra toàn bộ phần sau của bản lề, điều đó giúp cho hệ thống 3 quạt tản làm việc tốt hơn, đẩy luồng khí nóng ra bên ngoài nhanh hơn.
Riêng trên mẫu Zephyrus G16 này, ngay tại khu vực bản lề anh em sẽ cảm nhận rõ bằng tay là nhiệt độ nó khá cao, cũng như cẩn thận bị phỏng tay, bị giật mình khi chạm vào khu vực này. So với các mẫu laptop ROG Strix có phần mặt C bằng nhựa thì khu vực này sẽ có nền nhiệt thấp hơn, còn với bề mặt nhôm thì lượng nhiệt toả ra ở đây xấp xỉ 50 độ C.
Quảng cáo
Thời lượng dùng pin của Zephyrus G16 có thể chạm ngưỡng 6 tiếng onscreen
Với dung lượng 90Whr, cộng với khả năng tối ưu về điện năng tiêu thụ tốt trên AMD Ryzen AI 300 series, khi không sử dụng đến GPU rời, hiệu năng ở mức Silent trong thiết lập cài đặt Armoury Crate, cộng với độ sáng ở mức 75%, mình có thể dùng trong khoảng gần 6 tiếng onscreen cho tác vụ lướt web và soạn thảo văn bản.
Màn hình ROG Nebula OLED đẹp
Zephyrus G16 bản AMD sở hữu tấm nền OLED 0.2ms QHD+ 240Hz tương tự như phiên bản Intel, các thông số cũng tương tự không có gì thay đổi.
Gần như bạn sẽ không cần phải lo lắng gì về màn hình của Zephyrus G16 nữa cả, vì khi đã đạt chuẩn Nebula của ROG, nó không chỉ là cái tên để marketing mà còn là bảo chứng cho chất lượng.
ASUS thực hiện cân chỉnh màu sắc trước khi đến tay người dùng, đảm bảo độ sai lệch màu sắc delta E < 1, theo bảng màu Pantone, ngoài ra là các không gian màu như DCI-P3 và sRGB đạt 100%, riêng không gian màu AdobeRGB đạt mức trên 90%.
Độ sáng peak của tấm nền do Samsung cung cấp là khoảng 500 nits, khi sử dụng thông thường thì khoảng 400 nits. Kết hợp với tấm kính cường lực Corning Gorilla dạng glossy, bạn sẽ có cái nhìn trong trẻo hơn, dù nhìn ở ngoài trời nắng thì nó không ngon bằng matte chống chói nhưng mình lại thích glossy hơn.
Phần viền màn hình của máy khá mỏng và webcam 1080p có hỗ trợ mở khoá bằng khuôn mặt qua Windows Hello.
Thiết kế của Zephyrus G16 GA605
Điểm nổi bật nhất của mẫu laptop này trong thiết kế là nó quá mỏng cho một chiếc laptop Windows 16-inch hiệu năng cao, 14.9mm (phần mỏng nhất) và nặng 1.85kg. Hiện tại thì Zephyrus G16 GA605 đang là mẫu laptop gaming 16-inch mỏng và nhẹ nhất trong phân khúc laptop gaming cao cấp.
Toàn bộ phần khung của Zephyrus G16 đều là nhôm, chỉ là ASUS sử dụng nhôm hơi mỏng một chút, chính điều đó giúp cho cân nặng của ROG Zephyrus G16 mới đạt được con số 1.85kg.
Điểm mình thích ở thiết kế của Zephyrus G16 là nó đẹp, nam tính và cá tính, build quality sắc sảo nhưng nếu nói nó chắc chắn thì chưa hẳn vì độ flex vẫn có, cộng thêm nữa là phần bản lề vẫn chưa giữ được màn hình chắc chắn, vẫn bị rung lắc khá nhiều. Nhưng bù lại, bản lề của Zephyrus G16 có một điểm thiết kế rất thông minh, đó là nó sẽ có một tấm để chắn phần nhiệt nóng, gió nóng phả thẳng vào màn hình, mà thay vào đó là đi ra phía sau, giúp cho phần màn hình được bảo vệ tốt hơn.
Dòng Zephyrus từ trước đến nay thì vẫn là dòng laptop tập trung vào tính thời trang, mang một nét gì đó hiện đại và cách tân hơn so với dòng ROG Strix, vốn thiên về hiệu năng và sự hầm hố. Những sự đổi mới và cách tân đó chúng ta đã thấy qua nhiều thế hệ Zephyrus G14 với kiểu thiết kế AniMe Matrix, sau đó là dải LED chạy chéo thân máy như hiện tại và từ Zephyrus G14, ASUS mang nó sang G16 và trước đây nữa là M16.
Khu vực dải LED này bạn có thể tuỳ chỉnh nhiều hiệu ứng trong phần mềm Armoury Crate, và nó cũng hiển thị theo quá trình sạc pin của máy nữa, bạn có thể dễ dàng theo dõi được máy tính đã sạc bao nhiêu pin.
Yếu tố tiếp theo mình không thể không đề cập đó là hệ thống loa, mình khá ấn tượng với hệ thống 6 loa trên Zephyrus G16, thiết kế bên cạnh bàn phím cũng giúp cho máy có thể có chất lượng âm thanh tốt hơn, âm bass rõ ràng hơn.
Bàn phím trên Zephyrus G16 được thay đổi một chút về khoảng cách các phím, nó sát nhau hơn, hành trình thì vẫn là 1.7mm, độ nảy vẫn tốt và cảm giác gõ nói chung vẫn hoàn toàn ổn, phần touchpad diện tích lớn và phủ kính, tracking tốt, chỉ hơi tiếc là nó vẫn dùng cơ chế clicky truyền thống.
Với phiên bản AMD chúng ta sẽ có các cổng kết nối USB-C là chuẩn USB4, thay vì Thunderbolt 4, còn lại thì HDMI vẫn là 2.1, USB-A vẫn là chuẩn 3.2 Gen 2, khe thẻ SD, jack 3.5mm vẫn đầy đủ, có cả khoá Kensington.
Tạm kết về ROG Zephyrus G16 GA605
Với mức giá 82 triệu đồng, rõ ràng Zephyrus G16 không phải là mẫu laptop dành cho số đông, nhưng theo những gì mà ASUS tiết lộ cho mình, đợt hàng đầu tiên về Zephyrus G16 này đã cháy hàng, rõ ràng nó phải có một cái gì đó để có thể thu hút người dùng nhiều đến vậy.
Và trong 1 tuần trải nghiệm qua mẫu laptop này, mình thấy rằng Zephyrus G16 thực sự hấp dẫn ở thiết kế mỏng, đẹp, hiệu năng mạnh mẽ, hệ thống tản nhiệt tốt, thời lượng pin ổn cho một chiếc laptop hiệu năng cao. Anh em quan tâm sản phẩm có thể xem thêm tại đây.
Trải nghiệm ROG Zephyrus G16 GA605 (2024): nền tảng AMD Ryzen AI 300 mạnh mẽ | Tinhte