Thành ra, đứng trước cơn sốt và cuộc chạy đua AI, Apple không chỉ gặp áp lực phải có giải pháp AI tiêu dùng trang bị trong những chiếc điện thoại và máy tính của họ. Chính bản thân phần cứng các thiết bị cũng sẽ phải vận hành được những giải pháp AI xử lý local, chẳng hạn như những mô hình ngôn ngữ có khả năng vận hành Siri hay những tính năng khác, thay vì chờ đợi dữ liệu từ máy chủ đám mây gửi về như những chatbot đang vận hành hiện nay.

Chip Apple M4 chính thức: Neural Engine tốc độ 38 TOPS, xử lý AI mạnh nhất lịch sử chip Apple
tinhte.vn
Đấy là lúc, khi Intel, AMD hay Qualcomm đều đã có những giải pháp chip xử lý cho máy tính và điện thoại tập trung vào cụm NPU xử lý machine learning, thì M4 của Apple cũng ra mắt, vỏn vẹn hơn nửa năm kể từ khi M3, M3 Pro và M3 Max ra mắt tháng 10 năm ngoái.
Để công bằng với Apple, thì trong sự kiện Let Loose diễn ra tối qua theo giờ Việt Nam, Apple không bám vào cụm từ khóa AI khủng khiếp đến mức nhắc đi nhắc lại cả trăm lần như các vị giám đốc dự án bên Google lúc họ tổ chức sự kiện giới thiệu Bard hay sau đó là Gemini. Nhưng mình cũng có một điều để ý, đó là trong toàn bộ gần 40 phút sự kiện Let Loose diễn ra, thời lượng Apple nói về Neural Engine trên M4, nói về những tính năng AI trên iPadOS và những ứng dụng có kết hợp với machine learning trên iPad cũng ngót nghét gần 10 phút đồng hồ.
Với cái đà này, có lẽ đến ngày 10/6, tròn một tháng nữa, WWDC sẽ là nơi Apple buộc phải công bố hàng loạt những tính năng AI trong iOS hay macOS, còn phần cứng để xử lý chúng thì giờ đã có rồi, đến tháng 9 công bố tiếp giải pháp A18 Pro trên iPhone 16 Pro/Pro Max, cũng dựa trên kiến trúc Apple Silicon M4.
Apple có phải lúc nào cũng đi sau để công nghệ hoàn thiện?
Sẽ có anh em bình luận ở dưới một cách vui vẻ như thế này. Apple trước giờ vẫn vậy, cứ có đột phá hay công nghệ nào mới, Apple luôn đi sau những cái tên như Samsung hay Oppo, để họ ra mắt sản phẩm trước, rồi sau đó mới ứng dụng phiên bản hoàn thiện hơn sau khi thị trường đã có những phản hồi. Điều đó cũng không 100% chỉ là nói vui, mà là sự thật.
iPhone X với FaceID là một ví dụ. Rồi sau đó là những hệ thống ống kính cao cấp trong những chiếc smartphone high-end,… Màn hình dẻo cũng lại là một công nghệ khác mà Apple dự kiến phải tới năm 2025, 2026 mới có sản phẩm thương mại, nghĩa là đi sau các hãng khác tới 6 đến 7 năm lận.
Nhưng không phải lúc nào Apple cũng đi theo sau xu hướng phát triển của thị trường công nghệ. Thậm chí, sẽ có những lần, Apple không được phép đi theo sau xu hướng. AI là một ví dụ.
Anh em hãy để ý, cứ khi nào TSMC có tiến trình gia công bán dẫn mới, sẵn sàng thương mại hóa, Apple luôn ứng dụng ngay lập tức, tạo ra những con chip 5nm hay 3nm đầu tiên ra mắt thị trường người tiêu dùng. Một thứ Apple cũng đi trước, tạo ra xu hướng, là công nghệ màn hình trang bị trên các thiết bị từ di động cho tới máy tính, cả công nghệ tấm nền lẫn độ phân giải màn hình.

TSMC muốn tăng sản lượng chip 3nm lên mức kỷ lục, 100 nghìn wafer mỗi tháng
tinhte.vn
Phải khẳng định, AI đang là một cuộc chạy đua phát triển, nghiên cứu và ứng dụng mà Apple không được phép chậm thêm một bước nào nữa. Họ phải có sản phẩm ứng dụng dành cho tất cả mọi người trong năm nay.
Quảng cáo
Apple có được chậm chân trong cuộc chạy đua AI?
Apple cũng là một tập đoàn giao dịch trên thị trường chứng khoán, nghĩa là họ cũng phải đối mặt, phải chiều lòng các nhà đầu tư, dưới dạng những con số vượt qua dự báo và kỳ vọng của thị trường trong báo cáo tài chính, để đảm bảo giá cổ phiếu, kéo theo đó là giá trị vốn hóa của cả tập đoàn. Những quý gần đây, gần nhất là kể từ đầu năm 2024 đến giờ, mọi thứ thực sự không đi theo chiều hướng mà Apple muốn cho lắm:

Báo cáo tài chính Apple quý 1: Doanh số iPhone giảm ở Trung Quốc không khủng khiếp như dự báo
tinhte.vn
Tính từ thời điểm công bố báo cáo tài chính quý IV 2023 vào tháng 2 đến nay, giá cổ phiếu Apple đã giảm 7% giá trị, trong khi chỉ số tổng hợp Nasdaq Composite, bị ảnh hưởng rất nhiều từ những tập đoàn công nghệ Mỹ thì lại tăng 7%. Trong số đó, Microsoft và Alphabet có giá cổ phiếu tăng lần lượt 3 và 11% trong cùng khoảng thời gian giữa hai lần báo cáo tài chính. Nvidia cũng tăng 9%.
Bên cạnh tình hình kinh doanh ảm đạm của Apple ở Trung Quốc, là những tin tức và tình hình nghiên cứu phát triển sản phẩm gần đây của Apple. Từ việc chậm chân trong cuộc chạy đua nghiên cứu mô hình và giải pháp AI phục vụ người dùng hệ sinh thái iOS hay macOS, cho tới việc chính thức từ bỏ dự án 10 năm phát triển chiếc xe hơi và thuật toán xe hơi tự hành. Rồi chính bản thân phản ứng của thị trường và người tiêu dùng đối với cặp kính điện toán không gian Apple Vision Pro cũng đã tạo ra những tác động tiêu cực đối với giá cổ phiếu của Apple.

Phòng nghiên cứu Zurich của Apple: Lôi kéo hàng loạt kỹ sư và giám đốc Google về phát triển AI
tinhte.vn
Quảng cáo
Càng nghĩ càng thấy, Apple giờ rất cần một thứ mới mẻ để chứng tỏ sức mạnh của tập đoàn có giá trị vốn hóa cao thứ nhì hành tinh (2.79 nghìn tỷ USD tính ở thời điểm mình viết bài này). Rồi Apple cũng cần chứng tỏ, họ vẫn là cái tên đáng gờm nhất nhì thị trường công nghệ tiêu dùng. Và ở thời điểm hiện tại, AI là thứ phù hợp nhất để Apple làm điều đó.
Thành ra, kết luận rằng Apple cần AI hơn là chính chúng ta cần AI, có lẽ cũng không ngoa.
Cứ 10 người dùng sản phẩm Apple thì may ra cùng lắm có 2 người thực sự thấy những tính năng AI sẽ hỗ trợ tốt cho nhu cầu sử dụng giải trí hay công việc của họ. Hiện giờ bất kỳ công nghệ AI nào cũng vậy, chỉ có ích đối với một tập khách hàng hoặc người sử dụng nhất định. Vẫn chưa có bất kỳ tính năng AI dựa trên mô hình ngôn ngữ nào khiến 70%, hay thậm chí chỉ cần là 50% thị trường người dùng thiết bị công nghệ coi là không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày cả.
Vậy nên, tập đoàn nào tạo ra được một thứ giải pháp AI đủ khiến mọi người cảm thấy cần, sử dụng hàng ngày, tập đoàn đó sẽ thành công lớn trong tương lai gần.
Những giải pháp và tính năng ấy từ Apple là gì, có lẽ chỉ cần chờ 1 tháng nữa anh em sẽ biết rõ. Nhưng như đã nói, cùng lúc, Apple vừa phải phát triển giải pháp AI tiêu dùng, vừa phải phát triển được những kiến trúc chip xử lý đủ sức mạnh để vận hành chúng ở thiết bị đầu cuối.
Đấy là lý do M4 ra mắt theo cách có phần bất ngờ, lại còn trên một thiết bị đánh vào thị trường ngách như iPad Pro:

Apple iPad Pro 2024 ra mắt: màn hình OLED 1600 nits mới, máy mỏng hơn, chip M4, giá từ 29 triệu đồng
tinhte.vn
M4: Một phiên bản M3 nâng cấp nhẹ, với Neural Engine mới
Lẽ ra làm phân tích kiến trúc thế hệ chip M4. Nhưng kỳ thực sẽ có nhiều thứ để chúng ta bàn hơn nếu xét tới cả tình hình kinh doanh và quá trình phát triển công nghệ của Apple ở thời điểm hiện tại. Sự ra mắt của M4 chính là một trong những động thái của Apple tấn công vào thị trường điện toán AI tiêu dùng, cuộc đua được bắt đầu từ cái thời điểm ChatGPT ra mắt trên toàn thế giới, tháng 11/2022.
Anh em hãy để ý một điều, trong livestream sự kiện Let Loose, khi giới thiệu con chip M4, Apple chỉ đem một sản phẩm khác của họ ra làm thước đo so sánh hiệu năng, đó là M2, ra mắt năm 2022, gần tròn 2 năm trước.
Những phép so sánh, như hiệu năng CPU của M4 ngang M2 nhưng tiêu thụ điện năng bằng một nửa, hay hiệu năng GPU gấp 4 lần… tất cả đều chỉ mang giá trị marketing. Tuyệt nhiên không thấy Apple so sánh M4 với thế hệ chip đời trước là M3, dù rõ ràng M4 có nhiều nâng cấp mới, ví dụ như thêm hai nhân CPU tiết kiệm điện, nâng tổng số nhân CPU lên con số 10, thay vì 8 như ở M3.
Từng có thời điểm Apple rất thích vẽ biểu đồ, xong ở dưới có những dòng chữ bé xíu xiu ghi chú chip của họ đang so sánh với sản phẩm nào, trong điều kiện vận hành ra sao. Nhưng với M4, mọi quảng cáo đều chỉ đến từ lời khẳng định của vị giám đốc cấp cao Johny Srouji, quản lý cả mảng thiết kế phần cứng của Apple, chứ chẳng thấy cái biểu đồ nào nữa.
Dám đưa ra dự đoán, khi M4 ra mắt, hiệu năng đa nhân của 10 nhân CPU sẽ chỉ nhỉnh hơn M3 từ 15 đến 20%. Rồi đến đầu năm sau MacBook đời mới trang bị chip M4 cũng sẽ được ra mắt, nếu như không phải là trong tháng 11 tới, theo như những gì Apple đã làm trong quá khứ. Cũng may là M4 được ra mắt ở thời điểm khá hoàn hảo, khi những chip xử lý tập trung hiệu năng NPU của các hãng khác đều đã được giới thiệu, dù rằng việc Apple giới thiệu M4 trên iPad Pro dễ khiến các anh em cảm thấy bất ngờ.
Những tính năng AI tiêu dùng tập trung phục vụ cả giải trí lẫn công việc sáng tạo, dành cho những người cần tới iPad Pro cũng được công bố tại Let Loose. Cụm Neural Engine 16 nhân, tốc độ 38 TOPS trên M4 sẽ là nơi xử lý những tính năng AI trong iPadOS 17 mới, như Live Captions nhận diện âm thanh và chuyển đổi thành ngôn ngữ dưới dạng phụ đề, hay tính năng tìm kiếm hình ảnh Visual Look Up, hoặc tách chủ thể nhanh khỏi footage video trong Final Cut Pro.
Tạm kết
Hãy kết thúc bài viết bằng chính cái tiêu đề. Ước tính cứ một năm rưỡi, một thế hệ chip Apple Silicon mới lại được ra mắt từ M1 đến M3. M1 là tháng 11/2020, M2 là 6/2022, rồi đến tháng 10/2023 là M3. M4 ra mắt chỉ sau hơn nửa năm M3 hiện diện trên thị trường chắc chắn là dấu hiệu cho thấy Apple đang rất muốn ra mắt cả phần cứng lẫn phần mềm hỗ trợ xử lý AI càng sớm càng tốt.
Ở phần còn lại của thế giới thiết bị công nghệ, chúng ta có Intel, AMD và Qualcomm phát triển phần cứng và giải pháp tối ưu, còn Microsoft và Google phát triển giải pháp ứng dụng, cộng thêm vô vàn những nhà phát triển ứng dụng bên thứ ba viết những bản nâng cấp phần mềm tối ưu các tính năng AI. Còn Apple thì đang muốn làm hết, từ Logic Pro, Final Cut Pro mới, cho tới chính bản thân những tính năng nằm trong iPadOS mới. Và M4 cũng là bằng chứng cho những nỗ lực chạy đua phát triển và ứng dụng AI của Apple, kiểm soát cả phần cứng lẫn phần mềm trong cả một hệ sinh thái thiết bị.
Apple có lý do để vội vàng, và họ cần phải vội vàng.
Nhưng nếu nhận xét ở phương diện tích cực thì, nền tảng đã có, kiến trúc Neural Engine mới cũng đã có, chúng ta chỉ cần ngồi đợi tới tháng 6 và tháng 9, khi WWDC diễn ra, rồi sự kiện ra mắt iPhone 16 được tổ chức, để xem những lời hứa của Tim Cook về “những tính năng AI hấp dẫn” mà Apple nghiên cứu trong suốt thời gian qua ấn tượng tới đâu.
Apple M4: Hệ quả vội vàng của việc Apple chậm chân trong cuộc chạy đua AI? | Tinhte