Nhiều năm qua, Chính phủ Trung Quốc “rất không hài lòng” với việc người dân dần phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ, vậy nên đã yêu cầu Đại học Công nghệ Quốc phòng Quân Giải phóng Nhân dân phải phát triển “một hệ điều hành cây nhà lá vườn”. Thực chất, hệ điều hành “nhà trồng” này đã được ra mắt vào năm 2001, với tên gọi là Kylin, nhưng chỉ mới được sử dụng trên các hệ thống máy tính của quân đội và chính phủ chứ chưa được phổ biến hay đưa vào sử dụng thương mại tại Trung Quốc. Chính vì thế, chính phủ nước này vẫn đang tìm cách để dần phổ biến Kylin hơn cho doanh nghiệp và người dân.
Chính vì thế, Kylinsoft – một công ty con thuộc Tập đoàn Điện tử Nhà nước Trung Quốc, đã hợp tác với hơn 10 tổ chức công nghệ trong nước, bao gồm Trung tâm Nghiên cứu Phát triển An ninh Thông tin Công nghiệp Quốc gia, để tạo ra phiên bản Kylin có mã nguồn mở, gọi là openKylin, được phát triển dựa trên FreeBSD, cho phép các lập trình viên phát triển và chia sẻ các mã máy tính liên quan đến hệ điều hành Kylin. Các phiên bản Kylin trước đây thì được phát triển dựa trên Linux.
Giống như bất kỳ thị trường nào khác trên thế giới, người dùng Trung Quốc cũng phân chia chủ yếu thành 2 phe là Windows (Mirosoft) và Apple (macOS). Đặc biệt, thị phần của Apple tại thị trường này đã tăng đều đặn trong những năm gần đây, với việc nắm giữ khoảng 15% thị phần máy tính cá nhân tại Trung Quốc. Việc Trung Quốc muốn phát triển và thúc đẩy người dân sử dụng hệ điều hành máy tính “nhà trồng” này là một trong những chính sách để giảm thiểu tối đa việc nước này phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ Mỹ, từ cả mảng phần cứng lẫn phần mềm, trong bối cảnh mà 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn luôn tồn tại các tranh chấp nhất định.
Theo 9to5mac