Rảo quanh một hồi các trang bán chính hãng thì mình nhận thấy rằng giá của 1 con NUC mà chạy chip Core i không rẻ, nó phải từ 7 triệu đổ lên. Những phiên bản NUC đời cũ hơn thì đã không còn bán. Muốn rẻ thì phải chọn các phiên bản chạy Celeron hay Pentium. Một số mẫu NUC chạy 2 dòng chip giá rẻ này mình tìm được như:
Intel NUC7CJYH đời 2018: giá 3,3 triệu đồng
- CPU: Intel Celeron J4005 (Gemini Lake 14nm) 2 nhân 2 luồng, 2 – 2,7 GHz, 4 MB cache, TDP 10 W;
- GPU: Intel UHD Graphics 600;
- RAM: 2 khe SO-DIMM, hỗ trợ 2 kênh, tối đa 8 GB DDR4-2400;
- Ổ cứng: Hỗ trợ ổ 2,5″ HDD hoặc SSD SATA;
- Kết nối: Intel Wireless-AC 9462 + Bluetooth 5.0;
- Cổng: 2 x HDMI 2.0a, 4 x USB 3.0, LAN Realtek 8111H-CG, khe đọc thẻ SDXC, jack âm thanh.
Intel NUC7PJYH đời 2018: giá 4,6 triệu đồng
- CPU: Intel Pentium Silver J5005 (Gemini Lake 14nm) 4 nhân 4 luồng, 1,5 – 2,8 GHz, 4 MB cache, TDP 10 W;
- GPU: Intel UHD Graphics 605;
- RAM: 2 khe SO-DIMM, hỗ trợ 2 kênh, tối đa 8 GB DDR4-2400;
- Ổ cứng: Hỗ trợ ổ 2,5″ HDD hoặc SSD SATA;
- Kết nối: Intel Wireless-AC 9462 + Bluetooth 5.0;
- Cổng: 2 x HDMI 2.0a, 4 x USB 3.0, LAN Realtek 8111H-CG, khe đọc thẻ SDXC, jack âm thanh.
Đây là 2 tùy chọn gần như rẻ nhất còn hàng và được bán chính hãng. Nếu chuyển sang Core i3 thì giá đã hơn 7 triệu, chưa bao gồm RAM và ổ cứng. Nếu lắp thêm 2 thanh RAM laptop mỗi thanh 4 GB thì mỗi thanh có giá tầm 500 ngàn, 2 thanh 1 triệu. Thêm một chiếc ổ SSD 2,5″ SATA dung lượng 240 GB thì giá cũng tầm 700 ngàn mua mới. Như vậy nếu anh em đầu tư một chiếc NUC giá 3,3 triệu chạy Celeron, thêm 2 thanh RAM và 1 ổ SSD thì số tiền anh em bỏ ra cũng đã ở 5 triệu.
Thêm vào đó, cấu hình của những chiếc NUC này không mới, chúng ra mắt từ năm 2018. Thử so sánh con Celeron J4005 trên chiếc NUC với một con Athlon 3000G chạy trên nền tảng bo mạch chủ A320 thì mình tin chắc J4005 không có cửa. Con Celeron chỉ 2 nhân 2 luồng, xung thì quá thấp chỉ 2,7 GHz tối đa trong khi con Athlon 3000G 2 nhân 4 luồng, xung đến 3,5 GHz. GPU của con Athlon 3000G là Radeon Vega 3 tốt hơn so với UHD Graphics 600. Lợi thế của Celeron J4005 là điện năng nên hiệu năng của nó sẽ không thể đọ với những con CPU desktop giá rẻ như Pentium G6400 hay Athlon 3000G được. Một con CPU hỗ trợ siêu phân luồng sẽ cho hiệu năng tốt hơn với các ứng dụng như video call.
Nếu anh em muốn một chiếc NUC có hiệu năng cao hơn thì lúc này giá sẽ không còn rẻ nữa. NUC chạy Core i3 thế hệ 10 đã trên 7 triệu mà là Core i3 dòng U 2 nhân 4 luồng, vẫn thiên về tiết kiệm điện, xung thấp. Chi phí sẽ đội lên tầm 10 triệu, không còn lý tưởng nữa. Trước đây mode @Nam Air đã đầu tư một chiếc NUC đời 8 chạy Core i5 cho con học, gắn thêm RAM và ổ cứng đã có giá đến 12 triệu, chưa bao gồm màn hình các thứ.
Nếu anh em vẫn thích mua thì cần lưu ý gì?
Về RAM:
- Tùy phiên bản CPU trang bị mà dung lượng RAM tối đa sẽ nhiều hay ít;
- RAM gắn cho NUC là RAM SO-DIMM, tương tự RAM của laptop;
- Cần kiểm tra trước thông số của NUC để biết máy có bao nhiêu khe RAM, có RAM sẵn hay không (hàn trên bo) và dùng loại RAM gì (DDR3 hay DDR4 …)
- Cần lưu ý đến điện áp của RAM như 1,2 V hay 1,35 V.
Về ổ cứng:
- Tùy phiên bản NUC mà máy có thể hỗ trợ ổ SATA và/hoặc M.2 SATA/PCIe, cần kiểm tra trong cấu hình máy.
Như 2 chiếc máy ở trên, nó hỗ trợ 2 khe SO-DIMM nhưng tối đa chỉ 8 GB RAM vì giới hạn của CPU, thế nên giải pháp tốt nhất vẫn là mua 2 thanh 4 GB DDR4-2400 SO-DIMM gắn, nếu anh em gắn 1 thanh 8 GB thì khe còn lại cũng không thể gắn thêm 8 GB để nâng lên 16 GB. Thêm vào đó nếu anh em muốn gắn ổ M.2 tốc độ cao thì cũng không thể vì cả 2 chiếc máy đều chỉ có thể gắn ổ 2,5″ SATA.
Ngoài Intel thì còn hãng nào khác làm mini PC?
Hầu như hãng nào làm máy bộ cũng có giải pháp mini PC. Chẳng hạn như ASUS có con PN40 BBC061MV với cấu hình gần như y hệt chiếc Intel NUC7CJYH với cùng CPU Celeron J4005, giá tương đương nhưng có nhiều điểm hay hơn.
Về kích thước thì nó cũng tương đương với NUC và thiết kế thuận tiện để nâng cấp. Có 2 khe SO-DIMM để gắn tối đa 8 GB RAM DDR4-2400 và có thể gắn cả ổ 2,5″ SATA lẫn ổ M.2 SATA. Kết nối tích hợp sẵn đã có LAN, Wi-Fi và Bluetooth 5.0. Cổng kết nối cũng đa dạng không kém với 4 cổng USB 3.0 trong đó gồm 3 cổng USB-A, 1 cổng USB-C, 1 cổng USB 2.0 và có đến 3 cổng trình xuất gồm VGA, HDMI và mini DisplayPort.
Một dòng máy cùng tầm giá là MSI Cubi N 8GL nhưng được trang bị dòng Celeron N4000, vẫn 2 nhân 2 luồng, xung tối đa 2,6 GHz và TDP chỉ 6 W từ đó không cần đến quạt tản nhiệt như chiếc máy của ASUS hay Intel NUC.
Cubi N 8GL cũng là nền tảng barebone và anh em sẽ phỉa mua thêm các linh kiện như RAM và ổ cứng để sử dụng. Tuy nhiên, chiếc máy chỉ có 1 khe SO-DIMM hỗ trợ tối đa 8 GB, có thể gắn ổ M.2 SATA/PCIe và ổ 2,5″ SATA. Những kết nối tích hợp sẵn tương tự với LAN, Wi-Fi + Bluetooth 5.0, các cổng kết nối cũng khá phong phú với 3 cổng USB 3.0 (USB-A), trình xuất qua VGA hoặc HDMI.
Ngoài ra các hãng khác như Gigabyte, ASRock, Dell, HP, Lenovo cũng làm mini PC nhưng không phải hãng nào cũng bán tại Việt Nam.
Sắm máy cho con học từ xa, Intel NUC hay mini PC có rẻ hơn không? | Tinhte