Loading...

Một chiếc laptop dành cho creator cũng cần phải có một sự sáng tạo nhất định ngay vẻ bên ngoài, lâu nay chúng ta thường trông thấy laptop sáng tạo chỉ có vẻ ngoài không khác gì một chiếc laptop thông thường, đôi khi chính chúng ta cũng sẽ thấy nó nhàm chán, nhưng với ASUS thì không. Không phải tự nhiên mà ASUS trở thành một hãng sản xuất máy tính sáng tạo nhất trong vài năm trở lại đây, họ luôn thử nghiệm và nghĩ ra những thứ mới, trong 10 năm trở lại đây. Kể từ ngày xưa, những chiếc laptop của ASUS đã luôn có một sự sáng tạo như vậy.


Zenbook Pro 16X OLED là chiếc laptop cao cấp của ASUS, nó mang vẻ ngoài rất bắt mắt và chắc chắn cực kì sáng tạo. Những yếu tố sáng tạo làm nên Zenbook Pro 16X OLED không bắt gặp nhiều trên những chiếc laptop khác mà chúng ta hay nghĩ về một chiếc laptop cho creator.


tinhte_asus_1.jpg


Zenbook Pro 16X OLED sử dụng cơ chế nâng bàn phím với hệ thống tản nhiệt AAS Ultra, hệ thống tản nhiệt đã gắn bó với những dòng laptop 2 màn hình của ASUS trong nhiều năm qua, từ những chiếc Zenbook Duo cho đến gần đây nhất Zenbook Pro 14 Duo. Sự sáng tạo của ASUS nằm ở chỗ nó vừa giúp cho máy tản nhiệt hiệu quả hơn, mà đồng thời cũng cải thiện khả năng gõ phím, mà thực sự bàn phím của chiếc laptop này gõ cực kì ngon, hành trình sâu 1.4mm và keycap còn được làm võng nhẹ 0.2mm nữa tạo nên một trải nghiệm gõ rất thoải mái.

Mà nói đến laptop creator thì những yếu tố màu sắc là không thể thiếu, bàn phím với đèn LED WRGB per-key có thể hiệu chỉnh được là một chút bột màu sắc pha thêm vào để cho “tác phẩm” thêm phần sinh động. Chưa dừng lại ở đó, hệ thống bàn phím của máy cũng có thể tương tác với chính người dùng ở từng nhu cầu và tác vụ khác nhau, rất thú vị mà chính những điểm nho nhỏ đó lại tạo nguồn cảm hứng cho chính chủ nhân khi sử dụng.


tinhte_deeptalk_asus_1.png



Về touchpad của ASUS, nó luôn có một điểm đặc biệt mà không có ở bất kì một chiếc laptop nào khác, đó là Numpad. Cụm phím số ảo trên một chiếc touchpad kích thước lớn đã là điểm đặc trưng, điểm sáng tạo mà ASUS mang lại cho người dùng, không chỉ ở những dòng laptop creator mà cả những chiếc ultrabook hay laptop doanh nghiệp.

Thêm nữa, năm nay touchpad lại được làm dạng cảm ứng lực haptic touch, cảm giác nhấn hoặc lướt trên bề mặt touchpad này là vô cùng đã. Mình vẫn chưa hiểu tại sao rất nhiều hãng laptop Windows hiện tại không làm touchpad kiểu này, rõ ràng trải nghiệm tốt hơn, liền lạc hơn và cao cấp hơn touchpad cơ học kiểu cũ, chưa kể nó còn giúp chiếc laptop trở nên liền lạc hơn, chắc chắn hơn.

Mà nói về độ chắc chắn, cao cấp ở Zenbook Pro 16X OLED thì bộ khung kim loại từ nhôm 6000-series đã nói lên tất cả. Nếu nhìn qua có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng chiếc máy này dày, to và nặng, nhưng thực chất nó chỉ ngang một chiếc gaming laptop thông thường mà thôi, mà so về độ sáng tạo thì những chiếc máy chưa chắc làm được như Zenbook Pro 16X.


tinhte_deeptalk_asus_2.png



Thực sự ASUS đã làm rất tốt trong việc tái tạo lại, đưa ra một thiết kế khác biệt nhưng khi gập gọn lại không khác gì một chiếc laptop thông thường, độ mỏng 15,9mm và nặng 2.4kg chỉ tương đương một chiếc ROG Zephyrus mà thôi, mà Zephyrus G14, G15 hay M16 lại không có được cơ chế AAS Ultra mà đó chính là điểm khác biệt lớn nhất.

Cụm Dial, thứ sẽ giúp ích rất nhiều cho người dùng sáng tạo, nó được tạo ra để lược bỏ đi nhiều thao tác với chuột và đưa trải nghiệm với các phần mềm creator trở nên đỉnh cao hơn và với trải nghiệm cá nhân của mình, nó đã phần nào làm được điều đó. Thứ thể hiện rõ nhất là với các công cụ như chỉnh brush, zoom in/zoom out, scroll mình đã không cần dùng tới chuột ngoài nữa và cảm giác xoay ngón tay trên Dial thực sự là một cảm giác rất lạ, rất mới và rất thú vị.

Chúng ta có lẽ đang quá gò bó bản thân vào những giá trị truyền thống mà quên đi những đổi mới, mà quan trọng những đổi mới này nó mang lại sự thiết thực. Dial trên Zenbook Pro 16X có thể tuỳ chỉnh với rất nhiều tính năng, công cụ cho từng phần mềm cụ thể: ví dụ Photoshop, Lightroom Classic, Premiere Pro, AI… Sự sáng tạo và tuỳ chỉnh của Dial có thể nói là vô kể, mỗi người dùng sẽ tự “sáng tạo” ra một kiểu dùng cho riêng bản thân mình.

Rồi sự đầy đủ của cổng kết nối: Thunderbolt 4, HDMI, USB-A hay sự có mặt của khe đọc thẻ SD đã là một điểm cộng lớn dành cho ASUS, họ quan tâm và thực sự thấu hiểu người dùng của mình cần gì.


tinhte_asus_2.jpg


Một tấm nền OLED xịn thể hiện không chỉ ở chất lượng hiển thị mà còn là cách mà hãng sản xuất chăm chút cho tấm nền đó. Độ phân giải, các gam màu, độ tương phản, Delta E, độ sáng đều rất quan trọng và ở những điểm này màn hình của Zenbook Pro 16X đều làm tốt, nhưng điểm tốt hơn nữa, giúp nó hoạt động bền bỉ hơn nữa là các tính năng giảm thiểu tình trạng burn-in.

Pixel Refresh, Pixel Shift, hay gọi chung là OLED Care đã không chỉ giúp trải nghiệm màn hình OLED sướng mắt mà còn giữ nó bền bỉ trong thời gian dài sử dụng.

Tất cả những gì gọi là đỉnh trên một chiếc laptop màn hình OLED đều được Zenbook Pro 16X thể hiện trọn vẹn: độ phân giải 4K, độ chính xác màu sắc Delta E <2, 3 dải màu phổ biến sRGB, Adobe RGB hay DCI-P3 đều trên 98%, độ sáng theo công bố nhà sản xuất là hơn 500 nits, đạt chứng nhận VESA Display HDR True Black 500, chứng nhận màu sắc bởi Pantone, tỉ lệ màn hình trên thân máy 90%…Nhiêu đó đã là quá đủ cho một chiếc creator laptop đỉnh cao, mình không có gì để nói thêm về nó nữa, quá tuyệt vời.

Ngoài làm việc chắc chắn chúng ta sẽ phải giải trí, thì với tiêu chuẩn Dolby Vision và hệ thống âm thanh Dolby Atmos, người dùng sẽ gần như có cả một rạp phim thu nhỏ ở ngay trước mặt và tin mình đi, xem phim trên màn hình OLED là một trải nghiệm không thể sướng mắt và đã tai hơn được nữa.


tinhte_asus_3.jpg


Chúng ta đã đi qua những yếu tố sáng tạo về thiết kế và màn hình, vậy hiệu năng có đáp ứng được các công việc của creator hay không?

Ngoài hệ thống tản nhiệt AAS Ultra thì Zenbook Pro 16X còn có cả giải pháp tản nhiệt buồng hơi vapor chamber của những chiếc gaming laptop cao cấp nhất và thực sự nó đã hoạt động hiệu quả.
Bên trong thân hình của một chiếc laptop ceator là một cấu hình không thua kém bất cứ một đối thủ nào, kể cả là creator hay gaming:


tinhte_deeptalk_asus_3.png


Qua các thử nghiệm của mình, cả CPU và GPU đều hoạt động hiệu quả và hiệu suất ấn tượng, so với Zenbook Pro 14 Duo mình đã trải nghiệm qua trước đây thì Zenbook Pro 16X đều nhanh hơn, cả trong benchmark CPU, GPU hay các bài encode, render.

Công suất tiêu thụ điện của Core i9-12900H trên Zenbook Pro 16X là 65W, đẩy tối đa hơn 70W và dù chưa chạm mức PL2 nhưng nó cũng đã quá mạnh mẽ và không phải hệ thống tản nhiệt nào cũng có thể “thuần phục” được con CPU này. Nhờ cơ chế AAS Ultra và vapor chamber mà nhiệt lượng toả ra của máy không ảnh hưởng gì đến trải nghiệm chung của mình. Nâng bàn phím, lấy gió vào, đẩy ngược gió nóng ra phía sau khiến cho toàn bộ khu vực bàn phím và chiếu nghỉ tay là vô cùng mát mẻ, mình gần như không thể cảm nhận được là chiếc máy đang hoạt động hết công suất và thực tế nhiệt độ của CPU đã chạm ngưỡng 95 độ.


tinhte_deeptalk_asus_4.png



RTX 3060 trên Zenbook Pro 16X cũng thuộc dạng GPU mạnh mẽ dành cho creator, một số những chiếc laptop creator sử dụng RTX 3060 mà mình biết chỉ có mức TGP ở 60W mà thôi, nhưng đây chúng ta có là 70W và tối đa có thể đẩy lên đến 90W. Mình hoàn toàn có thể chơi game trên chiếc máy này với cấu hình tuỳ chỉnh từ FHD lên đến QHD. Driver cũng là điểm mình cảm thấy ASUS cực kì chăm chút cho người dùng khi cài đặt sẵn Studio driver để tối ưu cho các phần mềm đồ hoạ, thiết kế 2D/3D với các thuật toán nâng cao.

Thực sự hiệu năng là điểm mình quá hài lòng về Zenbook Pro 16X OLED, dù cho cẩ CPU và GPU đều đang ở cuối chu kì nâng cấp nhưng nó vẫn thể hiện được sức mạnh và từ đó chúng ta mường tượng ra rằng những thế hệ kế tiếp, sức mạnh hiệu năng của nó sẽ còn mạnh mẽ hơn như thế nào, chiếc laptop này sẽ còn nhanh hơn như thế nào và tối ưu hơn như thế nào nữa, mình không thể chờ đợi để được trải nghiệm nó.

Tuy vậy, điểm chúng ta cần phải đánh đổi và thoả hiệp với một hiệu năng mạnh mẽ đến thế đó là thời lượng dùng pin, dù dung lượng của nó lên đến 96Wh nhưng thời gian sử dụng thực tế với các nhu cầu hỗn hợp của mình chỉ là khoảng 4,5 tiếng mà thôi. Thế mà kể cả khi mình không dùng đến sạc, hiệu năng của máy vẫn duy trì ở mức ổn định để mình dùng liên tục trong khoảng 2,5 tiếng cho các tác vụ edit hình ảnh, video hay Photoshop.


tinhte_asus_4.jpg


Tới đây thì có lẽ anh em đều phải đồng ý với mình rằng Zenbook Pro 16X OLED thực sự là một chiếc laptop sáng tạo, cụm từ sáng tạo ở đây không có nghĩa chỉ về phân khúc người dùng, mà nó thực sự là một tác phẩm của ASUS. Anh em có thể nhìn qua những chiếc laptop đã ra mắt trong năm vừa qua, hướng đến content creator, có chiếc laptop nào để lại cho chúng ta một sự ấn tượng từ cái nhìn đầu tiên như chiếc máy này hay không?


tinhte_asus_5.jpg



Từ thiết kế, bàn phím, cụm Dial, hiệu năng, màn hình…mọi thứ trên chiếc máy này đều có được những gì tinh tuý nhất, xịn nhất của ASUS trong năm 2022. Nhưng mà làm gì có chiếc máy nào hoàn hảo trên đời đâu cơ chứ, Zenbook Pro 16X OLED nó vẫn còn có những điểm chưa ngon trong trải nghiệm người dùng, mà hầu hết đều đến từ phần mềm, ví dụ chúng ta có đến 2 phần mềm tuỳ chỉnh hiệu năng là ASUS ProArt Ceator Hub và My ASUS, như cá nhân mình khi lần đầu vào thiết lập sẽ thấy rối, thứ 2 đó là cụm Dial khi hoạt động nó không hề ẩn đi hay là việc gõ bàn phím sẽ chạm nhầm vào chính cụm Dial đó. Nếu ASUS giải quyết được những vấn đề trên ở phiên bản tiếp theo thì chắc chắn đó sẽ là chiếc laptop sáng tạo nhất.


Loading...

Trải nghiệm ASUS Zenbook Pro 16X OLED: Laptop cho người dùng sáng tạo cũng cần phải sáng tạo | Tinhte