Ông Wennink nói: “Những trao đổi và đàm phán ở Mỹ và Trung Quốc hiện giờ không được thực hiện dựa trên thực tế hay những con số hoặc những dữ liệu, mà chỉ dựa trên nền tảng ý thức hệ. Bạn có thể nghĩ sao tùy thích, nhưng chúng tôi là một doanh nghiệp với nhiệm vụ đảm bảo lợi ích của các cổ đông, phải cân bằng điều đó với việc inh doanh. Nếu ý thức hệ can thiệp vào quá trình kinh doanh, thì chúng ta sẽ gặp vấn đề.”
Ông cho biết thêm: “Tôi nghĩ rằng ở Washington, có lẽ thỉnh thoảng họ sẽ nghĩ rằng, cái ông Wennink kia có lẽ là người bạn và đồng minh của Trung Quốc. Không. Tôi là đồng minh của những khách hàng của ASML, là bạn của các nhà cung cấp, của các nhân viên, của các cổ đông.”
Vị CEO vừa từ nhiệm vị trí của mình tại ASML nói rằng công ty đã và đang có nhân viên cùng các khách hàng ở Trung Quốc trong suốt 30 năm qua, vì thế ông cho rằng “chúng tôi phải có trách nhiệm.”
Hồi tháng 4/2024 vừa rồi, ông Wennink đã rời khỏi ghế CEO của ASML sau 10 năm làm việc, giúp tập đoàn sản xuất thiết bị gia công bán dẫn này trở thành tập đoàn công nghệ lớn nhất châu Âu. Kể từ năm 2018, phía Mỹ đã áp đặt những quy định giới hạn xuất khẩu đối với công ty này, vốn có trụ sở tại Hà Lan, một đồng minh của Mỹ. Những quy định này giới hạn những công nghệ và sản phẩm mà ASML được bán sang thị trường Trung Quốc, vì những lo ngại về an ninh. Hiện tại Trung Quốc là thị trường lớn thứ nhì của ASML, đứng sau đảo Đài Loan. Còn gần đây nhất, phía Mỹ cũng đã tìm cách ngăn chặn ASML cung cấp dịch vụ bảo trì và hỗ trợ khách hàng đối với những đơn vị tại Trung Quốc đã đặt mua máy quang khắc bán dẫn của ASML trong quá khứ.
Bên cạnh việc cố gắng tìm ra sự cân bằng giữa tuân thủ quy định của các chính phủ với quá trình kinh doanh, ông Wennink cho biết cũng đã vận động hành lang để cố gắng giữ những quy định cấm vận mà Mỹ áp dụng đối với các công ty Trung Quốc không quá chặt chẽ và khắc nghiệt. Cùng lúc, ông cũng đã phàn nàn với những quan chức cấp cao của chính phủ Trung Quốc, trong trường hợp các công ty Trung Quốc có động thái vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của ASML.
Đầu năm ngoái, ASML cũng phải đối mặt với sự cố cựu nhân viên tại Trung Quốc ăn cắp bí mật kinh doanh. Họ đã lên tiếng cáo buộc một cựu nhân viên ở Trung Quốc đã lấy trộm dữ liệu về công nghệ độc quyền của hãng. Cáo buộc này, dù chính xác hay không, cũng đủ khả năng thêm dầu vào lửa giữa lúc Mỹ và các nước phương Tây đang cố hết sức kìm hãm tốc độ phát triển và tự chủ ngành công nghiệp chip bán dẫn của Trung Quốc.
Bản thân vị thế gần như độc tôn của ASML trong quy trình sản xuất những chip bán dẫn tiến trình cao cấp, phải dựa vào những cỗ máy EUV Lithography của hãng đến từ Hà Lan này, cũng đã biến họ từ một cái tên ít người để ý vài năm trước trở thành một mục tiêu đúng nghĩa. Năm ngoái, ASML cũng đã lên tiếng cáo buộc một doanh nghiệp có trụ sở tại Bắc Kinh đã ăn trộm bí mật kinh doanh của hãng trong một khoảng thời gian dài, chí ít là kể từ năm 2015.
Theo Reuters
Cựu CEO ASML Hà Lan: "Mỹ và Trung Quốc sẽ còn cạnh tranh về bán dẫn dài dài" | Tinhte