Với phiên bản 7 nhân GPU thì iMac sẽ được trang bị kèm 1 quạt hỗ trợ giải nhiệt, còn với phiên bản 8 nhân GPU thì sẽ có 2 quạt. Đây có lẽ là điểm mấu chốt quyết định sức mạnh của chiếc máy cả ở trên các ứng dụng đo đạc cho đến quá trình sử dụng thực tế, một con CPU mát hơn thì sẽ có thể phát huy tối đa hiệu năng thiết kế, còn nếu như nó bị nóng thì sung nhịp chắc chắn sẽ bị giảm, những công việc cần hiệu năng mà lại kéo dài như chỉnh ảnh hay dựng phim thì sẽ thể hiện rõ điều này.
Xử lý hình ảnh
Quá trình sử dụng thực tế của mình với tác vụ này thì khá đơn giản, mình sẽ thường xuyên xử lý những file ảnh Raw với dung lượng đâu đó khoảng 30-50mb/ 1 tấm, số lượng 1 lần từ khoảng 30 cho đến 100 tấm trên phần mềm Lightroom. Quay lại với cái Macbook Pro Core i9 mà mình đang dùng với tác vụ này, về cơ bản thì nó là một chiếc máy có cấu hình rất mạnh mẽ, cũng là dòng máy đầu tiên Apple đầu tư “chạy đua” cấu hình mặc dù những thế hệ trước đó vẫn là những chiếc máy ổn định và mạnh mẽ. Nhưng vấn đề ở chỗ nhiệt độ của chiếc máy không được tối ưu, dẫn đến việc dễ bị giảm hiệu năng khi dùng thao tác chỉnh sửa 1 Album ảnh kéo dài, những thao tác như chấm bụi bằng Clone tool cũng trở nên chậm rãi và delay khá nhiều, nó chẳng thể hiện được sức mạnh như trên thông số của chiếc máy, đôi khi cái thao tác này phải làm nhiều cho đến rất nhiều thì mình mở thêm phần chỉnh sửa ở Photoshop để làm được mượt mà và nhanh hơn.
Đối với chiếc iMac M1 thì nó là một trải nghiệm hoàn toàn mới, bắt đầu với việc nhập (import) hình ảnh vào Lightrom thì tốc độ đã nhanh hơn trông thấy, tốc độ này khiến mình nghĩ ngay trong đầu là core i9 32GB RAM để làm cái gì không biết, thực sự là cảm giác “xem thường” chiếc máy cũ khá nhiều và như M1 là chân lý của cuộc đời ngay từ phút giây đầu tiên này.
Nói kỹ hơn một chút thì cho đến hiện tại, Adobe Lighroom Classic chưa hoàn toàn tương thích với chip M1 mới giống như Lighroom, nhưng tốc độ xử lý là rất tốt. Mình đã thử xuất 1 Album hình ảnh từ file RAW sang JPEG với các hiệu chỉnh cơ bản là Resize, tương phản, sáng tối… thì tốc độ tương đương chiếc Macbook Pro cũ của mình, không nhanh hơn. Về tốc độ phản hồi các thao tác hiệu chỉnh điển hình là công cụ Clone Tool phản hồi nhanh hơn rõ rệt, đặc biệt là mình chưa từng gặp tình trạng bị lag khi xuất file, thói quen là khi xuất file ảnh mình sẽ mở trình duyệt web, hoặc mở Photoshop để chỉnh sửa riêng 1 tấm ảnh nào đó. iMac M1 dù chỉ với 16GB RAM nhưng nó đáp ứng sức mạnh cho khoản này rất tốt, chiếc Macbook cũ của mình không phải là kém nhưng rất nhiều tình huống chỉnh sửa ảnh kéo dài và đến công đoạn cuối này thì bị lag khi thực thi các tác vụ khác.
Đối với chỉnh sửa hình ảnh trên Photoshop thì thực tế nhu cầu sử dụng của mình là quá đơn giản với nhiều chiếc máy không riêng chiếc này, nhưng mình cũng muốn thử một điều gì đó để có thể dễ dàng hơn hình dung ra sức mạnh của chiếc máy, ít nhất là với “cây thước” đo chính là chiếc Macbook Pro cũ của mình để các bạn dễ hình dung hơn.
Mình đã thử dùng tính năng Photomerge để ghép nhiều tấm ảnh thành 1 tấm Panorama. Mình có tổng cộng 31 tấm ảnh dung lượng là 3,4 GB. Kể từ lúc bắt đầu bấm để phần mềm tự động ghép các ảnh lại với nhau cho đến khi có thể thực hiện thao tác khác với tấm hình là mất 3 phút 46 giây. Nọi dung tương tự mình thực hiện trên chiếc Macbook Pro 15” của mình hết 9 phút 10 giây. Rõ ràng đây là một sự chênh lệch rất lớn, và nếu như bạn sử dụng PS với tác vụ tương tự thì con chip M1 sẽ mang đến thật nhiều khác biệt so với con chip intel thế hệ cũ.
Cảm nhận sức mạnh iMac M1 Option 16GB RAM, không hoàn hảo nhưng vượt kỳ vọng | Tinhte