Tuần này, nội dung bức thư đó lại được phát tán trên Tiktok ở Mỹ. Có ý kiến cho rằng những kẻ phát tán lại nội dung bức thư này đang ám chỉ về động thái của Mỹ trong xung đột Israel – Hamas đang diễn ra.
Trong một video (vẫn còn tồn tại trên ứng dụng tính đến chiều thứ Năm 16/11) với hơn 900,000 lượt xem, một TikToker đã tuyên bố rằng “mọi thứ chúng ta biết về Trung Đông, vụ 11/9 và ‘chủ nghĩa khủng bố’ đều là không thật.” Tuy vậy nhiều người khác trên mạng xã hội đã chỉ trích các video này là cổ xúy những kẻ khủng bố và hợp pháp hóa bạo lực.
Trong một tuyên bố được đăng trên mạng xã hội X (Twitter) hôm thứ Năm, TikTok cho biết, “Nội dung quảng cáo cho bức thư này rõ ràng vi phạm các quy tắc của chúng tôi về việc ủng hộ bất kỳ hình thức nào của chủ nghĩa khủng bố. Chúng tôi đang hết sức chủ động và tích cực gỡ bỏ nội dung này cũng như điều tra xem nó đã xuất hiện như thế nào trên nền tảng của chúng tôi.”
Công ty cũng nói rằng nội dung không lên mục xu hướng phổ biến mà chỉ là một số bài đăng dị biệt trên nền tảng. “Số lượng video kiểu này trên TikTok rất ít và báo cáo về xu hướng (trending) video đó trên nền tảng của chúng tôi là không chính xác. Điều này không chỉ riêng TikTok mới có mà đã xuất hiện trên nhiều nền tảng và phương tiện truyền thông khác.”
Thông báo của Tiktok trên X về nội dung vi phạm quy tắc liên quan đến bức thư của bin Laden. Ảnh: Twitter.
CNN đưa tin, các video được chia sẻ với hashtag #lettertoamerica đã có hơn 14 triệu lượt xem vào thứ Năm, nhưng tính đến chiều thứ Năm, cụm từ này không thể tìm kiếm được trên ứng dụng do vi phạm nguyên tắc.
Đây không phải là lần đầu tiên TikTok phải đối mặt với tranh cãi về những gì được chia sẻ trên ứng dụng. Bức thư của Bin Laden phát tán lần này được cho là một bản dịch do The Guardian xuất bản hồi năm 2002, mặc dù trang tin này đã gỡ bỏ bức thư vào ngày 15 tháng 11.
Một trong số nhiều bút tích của bin Laden (trái) và bản dịch tiếng Anh (phải). Trong số ít tài liệu viết từ trước năm 2009 được lấy từ nơi mà bin Laden bị tiêu diệt có bản di chúc viết tay của Bin Laden. Di chúc từ những năm 1990 cho biết tài sản cá nhân của ông còn lại “khoảng 29 triệu USD” ở Sudan, có lẽ là tài sản thừa kế từ công ty xây dựng của người cha giàu có. Bin Laden sống ở Sudan và tài trợ cho các dự án đường bộ được công bố rộng rãi ở nước này cho đến năm 1996, khi ông ta chuyển về Jalalabad, Afghanistan. Ảnh: ABC News.
The Guardian nói với tờ Time trong một tuyên bố gửi qua email vào ngày 16 tháng 11 rằng sau khi bản dịch bức thư được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội mà không có ngữ cảnh đầy đủ, “chúng tôi đã quyết định gỡ nó xuống và hướng người đọc đến bài báo ban đầu đã ngữ cảnh hóa nó.”
Bức thư đưa ra lời biện hộ cho việc giết hại thường dân, tham chiếu tới các báo cáo về những hoạt động được Hoa Kỳ và một số chính phủ khác bảo trợ chống lại người Hồi giáo ở các lãnh thổ Palestine, Somalia, Chechnya, Kashmir và Lebanon, cũng như cho rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế ở Iraq khiến nhiều người lâm vào cảnh đói kém.
Theo Jared Holt, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Viện Đối thoại Chiến lược, sự xôn xao về các video kiểu này đã khiến các nhà lập pháp và các nhà quan sát khác hoảng sợ về mặt đạo đức khi cho rằng TikTok đang cực đoan hóa giới trẻ và phát tán bài viết của một kẻ khủng bố.
Quảng cáo
Holt nói với tờ NPR: “Câu chuyện này nói lên rằng chúng ta vẫn còn phải đi rất xa nữa trong việc nâng cao hiểu biết về mạng xã hội và mức độ nhạy cảm của mọi người đối với tình trạng rối loạn và dẫn dắt thông tin. Ngay cả những người có thể coi mình là những người đang cố gắng nói lên sự thật chống lại sự giả dối cũng không tránh khỏi. Kỳ bầu cử năm tới chắc chắn sẽ đổ thêm dầu vào những lỗi lầm lâu đời này.”
Việc biết chính xác mức độ phổ biến của một số nội dung nhất định trên TikTok ngày càng trở nên khó khăn vì các nhà nghiên cứu bên ngoài có quyền truy cập khá hạn chế vào dữ liệu nội bộ của nền tảng. Điều này có thể ảnh hưởng tới hoạt động phân tích số liệu trang web của các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên cho tới tận cùng, vụ việc lần này tiếp tục dấy lên câu hỏi rằng liệu có hay không việc nền tảng Tiktok đang bị lợi dụng để kẻ xấu thực hiện những mưu đồ nào đó.
Bức thư của bin Laden lan truyền trên TikTok đặt ra câu hỏi về "trend" trên mạng xã hội | Tinhte